Nhân lực ngành in: Khó tìm thợ giỏi

Theo thống kê của Hiệp hội In Việt Nam, mỗi năm, ngành in cần bổ sung ít nhất 2.000 lao động. Song, số lao động qua đào tạo chỉ đáp ứng phân nửa nhu cầu trên...

Nguồn nhân lực ngành in luôn trong tình trạng thiếu và yếu, một trong những nguyên nhân là do doanh nghiệp không chủ động đào tạo

Theo thống kê của Hiệp hội In Việt Nam, mỗi năm, ngành in cần bổ sung ít nhất 2.000 lao động. Song, số lao động qua đào tạo chỉ đáp ứng phân nửa nhu cầu trên...

Thừa người học, thiếu thợ giỏi

Ông Nguyễn Trọng Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phúc Khang, cho biết cả năm qua, dù chạy khắp nơi nhưng công ty vẫn chưa tìm được một thợ in máy mực nước để thế chỗ một lao động đã nghỉ việc. “Do đặc thù công việc, công ty yêu cầu ứng viên phải thạo việc, giỏi nghề, có ít nhất 1 năm kinh nghiệm. Sinh viên trường nghề mới ra trường khá nhiều nhưng họ không thể đáp ứng được. Hiện chúng tôi phải nhờ cơ sở khác gia công sản phẩm” - ông Phúc phân trần.

Ông Nguyễn Trọng Cương, chủ cơ sở in và thiết kế đồ họa Trọng Cương (huyện Hóc Môn, TP HCM), nhìn nhận nhân lực luôn là bài toán khó nhất đối với các doanh nghiệp (DN) hoạt động ở lĩnh vực in ấn. Bất kỳ DN nào nếu không đãi ngộ tốt, để người lao động ra đi, chắc chắn sẽ rất khó khăn, mất nhiều thời gian tìm nhân lực thay thế.

Theo ông Cương, mất 3 năm sau khi thành lập DN, ông mới giải quyết xong khâu nhân sự bằng việc nhận học sinh trường nghề, công nhân về đào tạo lại từ đầu.

Hiệp hội In Việt Nam cho rằng đi đôi với tình trạng thiếu hụt nhân lực, khâu đào tạo chưa bắt kịp tốc độ đổi mới kỹ thuật, công nghệ đang diễn ra nhanh chóng ở ngành in. Hậu quả là phần lớn lao động trẻ sau khi ra trường vẫn khó xin việc, trong khi DN luôn kêu ca thiếu nhân lực do không tìm được thợ giỏi.

Không coi trọng đào tạo

Bàn về chất lượng nhân lực ngành in, ông Võ Xuân Tuyên, Giám đốc Công ty Thiết kế In Gia Võ, nhận xét chỉ có sinh viên Khoa In và Truyền thông Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đáp ứng được yêu cầu của DN, còn đa số sinh viên trường nghề do chưa được tiếp xúc với máy móc hiện đại nên còn bỡ ngỡ và khá thụ động.

“Đây là nghề có mức độ rủi ro cao nên đòi hỏi người thợ phải thật chuyên nghiệp, tay nghề vững. Chúng tôi không có can đảm tuyển thợ trẻ non tay nghề, chưa có kinh nghiệm để đứng máy” - ông Tuyên giải thích.

PGS-TS Ngô Anh Tuấn - nguyên Trưởng Khoa In và Truyền thông Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Tổng Thư ký Hội In TP - nhận định tình trạng vừa thừa vừa thiếu nhân lực ngành in một phần nguyên nhân xuất phát từ hiện tượng DN thích “xài chùa” lao động, muốn tự dưng có thợ giỏi như trường hợp trên.

“Các DN in ấn trong nước có thói quen, tìm kiếm, tuyển dụng lao động từ nguồn sẵn có trên thị trường chứ chưa chủ động đào tạo, liên kết với các trường nghề để đặt hàng đào tạo. Điều này dẫn đến bất hợp lý là trong khi DN cứ than thiếu lao động thì sinh viên vẫn cứ thất nghiệp” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn còn cho biết tại TP HCM, mỗi năm, ngoài khoảng 100 sinh viên ngành in của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM còn có khoảng 1.000 sinh viên, học viên của các trường CĐ, trung cấp ngành in và trường ĐH có đào tạo trung cấp ngành in ra trường.

Đây là lực lượng khá dồi dào nhưng đang bị chính các DN trong nước bỏ quên. “Gần đây, nhiều DN in vừa và nhỏ của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... đầu tư vào Việt Nam. Họ coi trọng công tác đào tạo, đưa ra mức lương và phúc lợi “nhỉnh” hơn DN trong nước nên chủ động được nguồn nhân lực” - ông Tuấn nói.

Theo Hiệp hội In Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 1.200 DN in, sử dụng khoảng 40.000 công nhân. Nhu cầu lao động ngành này trong những năm tới sẽ tăng mạnh, tương ứng với mức tăng DN thành lập mới từ 10% - 15%.

Trở lại